III ­ PHỤ LUẬN VỀ TƯỚNG PHỤ NỮ


a/ Tương quan giữa vài nét tướng mặt và cơ thể:

      Đời Đường <618 ­ 907>, Nhất Hạnh thiền sư, một nhà tướng học khét tiếng thời đó mà nay một phần tác phẩm về tướng vẫn còn được lưu truyền, có lẽ là người đầu tiên phổ biến quan niệm cho rằng có thể căn cứ vào một số nét tướng khuôn mặt để suy đoán ra các nét tướng trên thân mình. Để phân biệt con người thực tế với con người thu gọn trên khuôn mặt, thiền sư mệnh danh hình ảnh đó là Tiểu hình nhân.

     Trải qua nhiều sóng gió của thời cuộc, công trình độc đáo của Nhất Hạnh thiền sư bị binh lửa Trung Nguyên làm thất truyền khiến cho các sách tướng cổ điển của Trung Hoa không còn tài liệu độc đáo này. Tuy vậy, một số người Nhật giao thương với Trung Hoa thời đó đã may mắn sưu tập được một vài di cảo của Nhất Hạnh đem về nước nghiên cứu và phát huy thêm. Thành thử, nguyên cảo Trung Hoa bị thất lạc, chỉ còn có lời đồn, may nhờ Nhật giữ hộ mà không bị mai một vĩnh viễn. Từ công trình khảo sát sơ khởi của Nhất Hạnh, người Nhật đem ra nghiên cứu tướng đàn bà bổ sung thêm cho hợp với nữ giới. Người Trung Hoa đầu tiên du nhập lại kiến thức này là Tô Lãnh Trai, tác giả cuốn Ngũ quan tướng tính nghiên cứu. Những điều trình bày trong mục này phần lớn căn cứ vào các tác phẩm của Ngũ Vị Trai và Tô Lăng Thiên cả.

    Muốn có tiểu hình nhân, ta lấy khuôn mặt làm mẫu mực Miệng là đầu, hai mi cốt là hai chân, hai Pháp lệnh là hai tay, Nhân trung là cổ, mũi là toàn thể thân mình.

1 ­ Hai cánh mũi: 
    Phàm hai cánh mũi phụ nữ cân xứng thì nhũ hoa cũng cân xứng: hai cánh mũi nảy nở tròn trịa thì ngực nở, nhũ hoa lớn. Ngược lại, Chuẩn đầu thấp, Gián đài, Đình uý nhỏ hẹp thì nhũ hoa cũng nhỏ hẹp. Đàn bà mũi xẹp, cánh mũi mỏng và nhỏ mà có bộ ngực núi lửa thì đó chẳng qua chỉ là phần nhân tạo chứ không phải là phần thiên bẩm.

    Hơn nữa, màu sắc của hai cánh mũi còn cho ta biết được nữ giới hiện đang ở thời kỳ kinh nguyệt hay không. Đang lúc hành kinh, hai cánh mũi bao giờ cũng có sắc ửng hồng mà ngày thường không có.

    Những điểm trình bày trên đây đúc kết từ những nhận xét của các nhà y học nhằm mục đích giúp bạntrai những kiến giải hữu ích cần thiết hầu tránh được những hành vi tổn thương đến đời sống gia đình chỉ vì ngộ nhận thiện chí của nhau.

    Nói chung, Sơn căn cho ta biết phần co lưng, sống mũi cho ta biết nửa phần thân trên.

2 ­ Nhân trung: 
Nhân trung và môi, miệng giúp ta biết được một cách khái quát về cơ cấu sinh dục cũng như khả năng sinh dục của phụ nữ.

    Nói một cách tổng quát, muốn biết việc sinh sản dễ dàng hay khó khăn, ta cần nhớ là: Nhân trung ngay ngắn, rõ ràng cộng thêm với Lộc thương, Thực thương, Tả Hữu Tiên Khố tề chỉnh, đầy đặn và cân xứng là những dấu hiệu chắc chắn của việc sinh sản bình thường, ít gặp hiểm nghèo vì thai sản.

     Hai bờ Nhân trung đàn bà đều và rõ tạo thành hình dạng trên hẹp dưới rộng là dấu hiệu nhiều con và sinh sản dễ. Nếu có thêm chỗ gần tiếp giáp với miệng trũng xuống như vũng trâu đằm thì con trai ít hơn con gái. Nếu hai lằn gồ cao của Nhân trung gần giáp môi trên lại nổi cao và rõ thì sinh trai nhiều hơn gái.

     Nhân trung đàn bà trung bình và không có đặc điểm trũng xuống hay nổi cao vừa kể thì số con trai và gái gần như ngang nhau nhưng không quá nhiều.

    Dĩ nhiên, những nhận định này không áp dụng cho các trường hợp giải phẩu thẩm mỹ.

     Nhân trung quá mờ hoặc bị vạch ngang là dấu hiệu khá chắc của kẻ có khả năng sinh dục không đáng kể. Quá mờ lại có vạch ngang rõ rệt là tướng không con vì lý do tiên thiên bất túc.